Không còn là giải pháp tình thế mùa dịch, nhiều chuyên gia cho rằng trong tương lai gần, dạy học trực tuyến sẽ là hình thức giáo dục được nhiều trường nhắm đến. Vấn đề là làm sao tạo được sự đồng bộ trong hệ thống giáo dục để mọi học sinh trên khắp Việt Nam đều được hưởng chương trình giáo dục trực tuyến với chất lượng tốt nhất có thể.
Các trường ở TPHCM đang dạy-học trực tuyến thế nào?
Thời điểm này, học sinh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sắp kết thúc đợt học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. So với năm trước, nhờ có kinh nghiệm cũng như có đủ thời gian chuẩn bị chương trình nên năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động thay đổi cách dạy khiến giờ học qua mạng trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi vẫn dạy kiểu… “cho có” khiến phụ huynh bất an, học sinh chán nản.
Hơn một tuần nay, con gái của chị Ngô Thanh Hằng, học sinh lớp 2 tại một trường quốc tế tại quận Bình Thạnh, TPHCM háo hức tham gia học trực tuyến tại nhà.
Chị Hằng cho biết, không chỉ thời gian học được phân bổ hợp lý mà năm nay, các giáo viên đã thay đổi toàn bộ cách dạy khiến học sinh rất thích thú. Kiến thức được dạy theo hình thức “game hóa”, sống động hình ảnh và học sinh tương tác được với giáo viên thay vì chỉ ngồi nghe giảng. Đặc biệt, trong các giờ dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục hay Kể chuyện, bé được vận động, tương tác một cách gần gũi, vui vẻ với thầy cô nên bé rất thích.
“Năm nay, mọi thứ vào nếp và bài bản hơn, bản thân tôi khi theo dõi con học mỗi ngày cũng cảm thấy rất an tâm hơn. Các thầy cô thiết kế bài giảng rất hấp dẫn nên thu hút được học sinh. Thời khóa biểu được sắp xếp khoa học, xen kẽ hợp lý các môn chính với môn phụ. Tôi quan sát thấy con tương tác rất tốt và học hiệu quả hơn năm trước. Học trực tuyến như vậy vừa vui vừa theo kịp chương trình trên lớp”, chị Hằng cho hay.
Thiết kế riêng cho các tiết dạy
Cả tuần nay, nhiều học sinh tại một hệ thống trường mầm non-tiểu học quốc tế thuộc Quận 2, TPHCM đều mong đến giờ học trực tuyến để được tham gia các trò chơi tích hợp kiến thức và tương tác với thầy cô, bạn bè.
Đại diện hệ thống trường học này cho biết, phản hồi của phụ huynh, học sinh về chương trình dạy trực tuyến năm nay rất tích cực. Nếu như năm ngoái, thầy và trò bị hạn chế trong việc tương tác, tích hợp các tính năng do cơ sở hạ tầng từ các phần mềm sẵn có chưa thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu thì năm nay, trường sử dụng nền tảng dành riêng cho giáo dục trực tuyến để thiết kế, thực hiện các tiết dạy.
Trên nền tảng mới, bên cạnh việc được trải nghiệm bài giảng sinh động với đầy đủ hình ảnh, màu sắc, âm thanh, học sinh có thể bấm nút giơ tay khi muốn phát biểu hay có thắc mắc, hoặc có thể bấm vào màn hình để tương tác với giáo viên và viết lên bảng ảo.
Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các thao tác trong giờ dạy thực tế dễ dàng được giáo viên mô phỏng trên lớp học trực tuyến. Với những học sinh tích cực phát biểu hoặc có câu trả lời đúng, ngay lập tức, giáo viên có thể khích lệ bằng cách tặng cup, gửi lời khen. Giờ học về các loại phương tiện giao thông, trên màn hình máy tính hiện rõ các hình ảnh động đẹp mắt kèm âm thanh vui nhộn để minh họa khiến cả giáo viên lẫn học sinh đều thích thú.
Không dừng lại ở việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bổ sung kỹ năng dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên, trường còn đầu tư cho công tác vận hành để ngay khi phụ huynh, học sinh cần giúp đỡ thì bộ phận thường trực sẽ hỗ trợ kịp thời. Điều này đồng nghĩa với việc giờ dạy học trực tuyến không giao khoán cho giáo viên mà có sự đồng hành của các bộ phận liên quan trong trường để làm sao tiết học hiệu quả nhất.
Ngoài ra, sĩ số lớp học được chia đôi, giáo viên dạy theo ca để bảo đảm mỗi lớp chỉ từ 4-10 học sinh tham gia tương tác cùng giáo viên.
Trẻ mầm non học không quá 60 phút/ngày; học sinh tiểu học không quá 105 phút/chương trình chính khóa/ngày. Buổi chiều, học sinh tiểu học được tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa trực tuyến theo hình thức tự chọn.
“Chúng tôi huấn luyện giáo viên kỹ năng “game hóa” các hoạt động và tạo một bài giảng sinh động cũng như cách tương tác sao cho lôi cuốn học sinh suốt giờ học. Các hoạt động phải được chọn lọc để tiết học ngắn gọn nhưng phải hấp dẫn. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian để truyền thông, hướng dẫn chi tiết đến phụ huynh cách chuẩn bị phòng học cũng như trình bày rõ những nguyên tắc học trực tuyến. Khi phụ huynh thấu hiểu và đồng hành thì việc dạy-học trực tuyến sẽ đạt kết quả”, đại diện trường cho biết thêm.
Đòi hỏi sự đầu tư từ giáo viên
Ghi nhận từ các diễn đàn trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng việc dạy trực tuyến năm nay đã có nhiều cải thiện khi không ít cơ sở giáo dục sáng tạo cách làm hay, đầu tư công nghệ. Thế nhưng, vẫn còn không ít lời than vãn từ phụ huynh rằng “Học trực tuyến kiểu chống chế vậy thì chẳng bao giờ hiệu quả” hay “Dạy kiểu gì mà con tôi vừa học vừa ngủ. Kết thúc tiết chẳng hiểu gì”… Anh Tuấn, phụ huynh có con đang tham gia chương trình học trực tuyến tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú thở dài: “Thực sự mà nói giáo viên chủ yếu ra bài rồi gọi học sinh kiểm tra; như vậy thì đâu thể gọi là dạy trực tuyến. Đường truyền thì yếu, mất rất nhiều thời gian, chương trình khô khan, nhàm chán, tôi ngồi xem cùng con mà còn buồn ngủ chứ nói gì trẻ em hiếu động. Biết là nhiều trường còn khó khăn nhưng nếu không có sự đầu tư, tư duy đổi mới thì mọi thứ chỉ dừng lại ở việc dạy trực tuyến cho xong. Rồi trẻ thi cử ra sao nếu hổng kiến thức trong thời gian học trực tuyến này?”.
Từng là giáo viên dạy tiểu học tại trường công lập, chị N.T.H. (quận Bình Thạnh) cho biết, chính sự thiếu sáng tạo, đầu tư của một bộ phận giáo viên đã khiến hình thức học trực tuyến trở nên tẻ nhạt, kém hiệu quả. Theo chị Hồng, để có được một tiết dạy trên mạng cho trẻ, giáo viên cần kỳ công chuẩn bị giáo án thông qua việc tìm hiểu, tham khảo nhiều nguồn học liệu cộng với sự sáng tạo của mỗi người. Nếu cứ bê nguyên từ sách mẫu vào như cách một số giáo viên đang làm thì đó là dạy chống chế. Muốn dạy trực tuyến hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải được tập huấn kỹ các thao tác sử dụng nền tảng trực tuyến, cách tương tác với học sinh sao cho tiết học không đứt quãng, điều này không hề đơn giản.
Trẻ tương tác với giáo viên khi học online tại nhà
Chị Hồng chia sẻ: “Cái khó nhất hiện nay là kho học liệu tiếng Việt hiện rất khô khan, nghèo nàn, đòi hỏi giáo viên phải chủ động đổi mới cho phù hợp với học sinh và nhu cầu truyền đạt. Nếu được, các thầy cô có thể tham khảo thêm nguồn học liệu tiếng Anh và tham khảo các chương trình trực tuyến nước ngoài. Nhưng bản thân chúng ta phải thay đổi vì nếu công nghệ có hiện đại đến mấy, đường truyền có nhanh đến mấy mà giáo viên lóng ngóng, không biết cách sử dụng máy móc, không biết tích hợp các tính năng thì làm sao hấp dẫn học sinh tham gia đến cuối giờ học được. Dạy trực tuyến, nếu làm nghiêm túc thì mức độ đầu tư giáo án sẽ khó gấp 3 lần bình thường, nhưng bù lại, cả thầy và trò sẽ có những trải nghiệm thú vị, kiến thức được truyền đi theo cách mới đầy hào hứng”.
Không chỉ là giải pháp mùa dịch
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Hệ thống mầm non-tiểu học ICS, việc dạy trực tuyến tại Việt Nam đang có sự khác biệt giữa các khối trường và các địa phương, tạo nên sự chênh lệch lớn. Nếu dịch COVID-19 kéo dài sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục vì chúng ta không thể xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế nữa, phải có cách để đi đường dài, còn không học sinh sẽ bị gián đoạn kiến thức. Bà Phương cũng cho rằng, phụ huynh nhiều nơi than dạy trực tuyến không hiệu quả là có lý do vì các trường, các giáo viên đã mang đến cho con em họ những trải nghiệm chưa như kỳ vọng. Đây không phải là lỗi của dạy học trực tuyến. Vấn đề lớn nhất phải kể đến vai trò của các cơ quan chủ quản vì dạy học trực tuyến đâu thể cứ phó mặc cho trường học, giáo viên. Họ cần được hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện. Thật nghịch lý khi rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn dư sức giúp đỡ thì đâu đó khắp Việt Nam nhiều trường học, nhiều giáo viên phải dạy trực tuyến với đường truyền chập chờn, màn hình nhòe nhoẹt.
“Các trường học, đội ngũ giáo viên cần được hỗ trợ nhiều hơn, từ công nghệ đến kỹ năng. Không thể kết luận dạy trực tuyến không hiệu quả khi mà chưa tạo được môi trường tốt nhất cho các trường tham gia vào mô hình này vì điều kiện, cơ sở vật chất mỗi nơi mỗi khác”, bà Phương lý giải.
Cho rằng dạy trực tuyến là cơ hội vàng để đổi mới giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin, theo ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, các nhà sư phạm và quản lý giáo dục cần tìm ra phương pháp mới tận dụng công nghệ làm phương tiện dạy học. Riêng TPHCM càng phải sẵn sàng nắm bắt thời cơ vì những điều kiện thuận lợi của một đô thị thông minh. Giáo dục thông minh sẽ thay đổi nếp dạy, cách học và thi đua thành tích. Bây giờ, học sinh ôm cả đống sách thì không còn là giáo dục hiện đại nữa. Thay vì truyền thụ kiến thức theo cách lạc hậu, người thầy giờ đây phải đóng vai trò hướng dẫn, giúp học sinh thu thập kiến thức và là người giải thích, chỉ dẫn con đường đi cho đúng.
Không còn là giải pháp tình thế mùa dịch, nhiều chuyên gia cho rằng trong tương lai gần, dạy học trực tuyến sẽ là hình thức giáo dục được nhiều trường nhắm đến. Vấn đề là làm sao tạo được sự đồng bộ trong hệ thống giáo dục để mọi học sinh trên khắp Việt Nam đều được hưởng chương trình giáo dục trực tuyến với chất lượng tốt nhất có thể. Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng cần tính toán theo hướng mở để đảm bảo sự công bằng cho những học sinh phải học trực tuyến dài ngày.
Nguồn: Cổng thông tin chính phủ
0
0
0
Được xây dựng và phát triển từ năm 2012, E-SPACE VIỆT NAM là đơn vị đầu tiên taị Việt Nam áp dụng mô hình dạy và học "1 THẦY 1 TRÒ". Đến nay Trung tâm đã thu hút hơn 10.000 học viên trên khắp cả nước theo học để nâng cao trình độ tiếng Anh của mình.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã tin tưởng lựa chọn E-Space Viet Nam là đối tác đào tạo tiếng Anh chính: Tập đoàn dầu khí Viet Nam, Tập đoàn FPT, Harvey Nash Viet Nam, Vietglove...
10 LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI VIẾT EMAIL
Nov, 15, 2024